Vùng biển Tohuku Nhật Bản – Đứng dậy sau sóng thần, Biến thảm họa thành cơ hội

Sau ngày sóng thần ập vào vùng Tohoku (11.3.2011), ngư trường này bị tê liệt hoàn toàn…

Những bè hàu, ốc đỏ, rong biển, sò điệp, cá hồi vây bạc… ven dải đường biển bị sóng cuốn sạch, ngư dân Miyagi khởi đầu lại nghề từ số không.

Thiên nhiên cướp đi cuộc sống, chốn mưu sinh, gia đình, của cải vật chất, nhưng vẫn để lại cho ngư trường lớn thứ ba thế giới Miyagi những ưu đãi không vùng nào có được, luôn được cung cấp nguồn dưỡng chất từ thảm thực vật ở núi cao quanh vùng, trải qua phân hủy, đọng lại trong các khuôn lá, rồi đóng băng, tan chảy, ngấm vào đất kết hợp cùng khoáng chất sắt biến thành axit fulvic, đổ ra biển. Nguồn “sữa” này là dưỡng chất cực tốt cho các loài phù du và động vật có vỏ. Vì thế, ngư trường Miyagi nổi tiếng với những loài sò, ốc.

Ngư trường đánh bắt tại Nhật

Không chỉ gặp khó khăn sau sóng thần, ngư trường Miyagi còn đối mặt với nghi vấn nhiễm xạ từ các nhà máy điện hạt nhân vùng biển kế cận. Do vậy để vực dậy ngành khai thác hải sản, không chỉ là câu chuyện nuôi trồng phân bố hợp lý, các công đoạn khảo sát, nghiên cứu, kiểm định nguồn nước cũng được tuân thủ nghiêm ngặt.

Dữ liệu khảo sát nguồn nước như nhiệt độ, độ đục, lượng thực vật phù du được lấy từ các trạm nghiên cứu khắp ngư trường Miyagi sau mỗi 30 phút, toàn bộ dữ liệu tích lũy liên tục trong 6 tháng để đưa ra những phân tích về tác động của việc nuôi trồng thủy sản, của môi trường sau thảm họa.

Kết quả chỉ 5 năm sau thảm họa sóng thần, thủy sản Miyagi phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chi nhánh Shizugawa của Hợp tác xã thủy sản Miyagi trở thành tập thể nông nghiệp đầu tiên ở Nhật đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council – Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) vào tháng 3.2016. Đây là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư, đảm bảo tốt quy định về lao động.

Thay đổi đáng kể trong công nghệ sản xuất hải sản ở Miyagi chính là máy bóc sò điệp Autoshell có mức giá lên đến hơn 1 triệu USD. Ông Shinji Takada, Giám đốc Công ty hải sản Yamanaka Inc tại Ishinomaki, chủ nhân chiếc máy cho biết: “Máy được chính phủ trợ giá 70%, 8 tiếng bóc tách đến 7 tấn cồi sò điệp, bằng hơn 20 lao động làm việc cùng thời gian”.

Ông Shinji Takada bên máy bóc sò điệp Autoshell

Câu chuyện xóa bỏ, làm lại từ đầu của ngành nuôi trồng hải sản ở Miyagi là một bài học giá trị được ngành thủy sản Nhật tham chiếu và áp dụng. Đặc biệt là phương cách nuôi trồng hợp lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, sản xuất.

Yamanaka Viet Nam cung cấp hải sản hảo hạng của vùng biển tuyệt vời này đến các khách hàng thưởng thức và cảm nhận sự tuyệt vời từ vùng biển Tohuku.